NÓI NHIỀU
“Thế mạnh của em là có nhiều ý tưởng”
Cười… Cười… Lại cười
Đây là phản ứng của các shark khi nghe một startup nói, “Thế mạnh của em là có nhiều ý tưởng” trong chương trình shark tank VN.
Là một fan của shark tank, tôi nhớ không lầm thì có ít nhất 3 startup đã nói câu này khi được hỏi “Sẽ thế nào nếu dự án này thất bại?”, “Thế mạnh của team bạn là gì?”.
Sau khi nghe câu trả lời “thế mạnh của em là có nhiều ý tưởng”, các shark chỉ biết nhìn nhau cười… cười trừ… cười ngao ngán.
Theo bạn vì sao các shark lại cười? Comment ở bên dưới nhé!
Theo tôi thì có 2 lý do. Thứ nhất, nói mà không làm. Thứ 2, thất bại không có chiều sâu.
(Note: Bài viết không dành cho những bạn chuyên ngành sáng tạo)
1. Nói mà không làm
Tuần trước có thằng em hẹn tôi đi cà phê, nó tâm sự.
Anh ơi, em có nhiều ý tưởng mà không biết bắt đầu từ đâu. Anh tư vấn giúp em được không?
Okay em, có ý tưởng gì nói anh nghe.
Em tính kinh doanh online để có thu nhập thụ động.
Kinh doanh online rộng lắm. Em tính kinh doanh mảng nào?
Em sẽ tạo website, seo lên top, rồi bán sản phẩm.
Vậy em tính bán sản phẩm gì?
Em chưa biết nữa, chắc em sẽ làm tiếp thị liên kết trước rồi bán sản phẩm sau.
Okay em, vậy là làm tiếp thị liên kết. Làm website thì dễ rồi, 30 phút là xong, nhưng để website lên top mới khó, em phải chăm viết nội dung. Em nói em không biết bắt đầu từ đâu thì anh nghĩ em nên bắt đầu từ việc viết nội dung trước.
Mà em dốt văn lắm, vậy có viết được không anh?
Càng tốt, mấy đứa dốt văn viết mới hay á em. Vì tụi nó chỉ biết sử dụng câu từ gần gũi, đơn giản. Cái đó người ta lại thích đọc hơn là văn chương lai láng. Đâu, em viết thử một đoạn anh coi. Anh chỉ em vài mẹo là viết ngon liền.
Dạ thôi phiền anh lắm. Để em về nhà tìm hiểu thêm. Có gì không hiểu em sẽ nhắn tin hỏi anh. Mà anh ơi, em cũng muốn làm kênh youtube giống anh, anh có bí quyết gì không chỉ em với.
(Nói tới đây là tôi nghe có mùi rồi, mà tôi thích troll, nên nói tiếp)
Okay em, làm Youtube dễ lắm, bí quyết mà anh đúc kết được sau khi làm hơn 200 video đó là hãy làm video đầu tiên. Em lấy điện thoại ra đi, anh hướng dẫn em làm video đầu tiên.
Giờ luôn hả anh, mà em ngại nói chuyện trước camera lắm, có cách nào không lộ mặt không anh?
(Tới đây thì tôi khẳng định luôn, đây là bệnh nhiều ý tưởng, nói mà không làm. Nên tôi cũng không ép, vì có ép nó cũng không làm, và tôi biết mấy đứa bị bệnh này rất thích câu “để em tìm hiểu thêm”, nên tôi đành mở đường cho trâu chạy)
Không lộ mặt cũng được, em về nhà tìm hiểu thêm kênh Youtube của web5ngay, spiderum hoặc kiến thức thú vị nhé.
Dạ, em cảm ơn anh, để em về tìm hiểu thêm.
(Haizz…)
Mà anh biết thầy NVC không?
Anh biết.
Em định đăng ký khóa học của thầy. Anh thấy sao?
Anh nghĩ em đừng nên học.
Sao vậy anh, em thấy thầy dạy hay mà.
Kiến thức hay mà em không áp dụng thì uổng lắm.
(Nói chung là troll nhưng sau đó cũng có một vài góp ý chân thành để em nó hiểu ra vấn đề, rồi cũng xin phép viết bài này, mắc công sau này nó đọc, nó khóc, rạn nứt tình anh em)
2. Thất bại không có chiều sâu
Người ta nói “thất bại là mẹ thành công”.
Tôi thấy có những thất bại sẽ dẫn tới thành công. Nhưng có những thất bại chỉ dẫn tới một thất bại khác.
Nghĩ lại, tôi thất bại cũng nhiều.
2014, năm nhất đại học, tôi cùng 2 người bạn bắt đầu kinh doanh quần áo. 3 đứa tôi tự tìm mẫu, tự tìm nơi sản xuất, tự bỏ sỉ.
Bỏ cho mấy trang thương mại điện tử. Hồi đó chưa có những trang lớn như tiki, shopee, lazada. Chỉ có hotdeal, xdeal, cungmua, vv.
Tháng đầu tiên 3 đứa tôi lời được 9 triệu vnđ, nhờ một mẫu áo khoác kaki bán khá chạy.
Chắc do may mắn. Vì sau đó là một chuỗi thua lỗ. Sản xuất mẫu nào, tồn kho mẫu đó.
Sau khi tiêu hết cả vốn lẫn lãi, đổi lại là một mớ quần áo tồn kho, thì nhóm tan rã, ai về nhà nấy.
Tôi rút ra một bài học, lý do tồn kho là do chúng tôi không làm chủ được đầu ra. Quá phụ thuộc vào các trang thương mại điện tử, những trang đó ế thì chúng tôi cũng ế theo.
Sau khi thất bại trong kinh doanh, tôi chuyển qua đầu tư tài chính.
Hồi tôi học về đầu tư tài chính thì tiền ảo (Cryptocurrency) chưa nổi như bây giờ. Nghĩ tới đầu tư tài chính, người ta chỉ nghĩ tới chứng khoán hoặc forex.
Đầu tiên tôi chơi chứng khoán Mỹ, chưa kịp lời lỗ ở thị trường Mỹ thì Việt Nam có thêm sản phẩm mới gọi là chứng khoán phái sinh (có thể bán khống và dùng đòn bẩy x10 với lãi suất 0%).
Tôi có thể nói là một trong những người đầu tiên chơi chứng khoán phái sinh ở Việt Nam. Với số vốn 20tr, mỗi ngày tài khoản tôi lời 500, 1tr là chuyện bình thường. Có hôm đỉnh điểm mở mắt ra thấy tài khoản tăng thêm 3tr8 (hồi đó tôi làm part-time có 1tr2:)).
Và cái gì tới cũng tới. 2018, chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh lịch sử. Lúc mà ai cũng nghĩ nó tăng thì nó lại giảm. Vậy là tôi đu đỉnh, chỉ trong 2 tuần tôi bị chia 3 tài khoản. Sau sự việc này, tôi nhận ra 2 điều.
Thứ nhất, tôi tham, dẫn đến thiếu kỷ luật. Lúc nên bán thì cứ giữ khư khư, cứ trông chờ nó sẽ lên để mình ăn đậm hơn.
Thứ 2, khoảng thời gian đó tôi chỉ dán mắt vào màn hình để nhìn biểu đồ, tôi có tiền nhưng cảm giác đầu óc cứ u mê, mụ mị thế nào. Có lẽ bởi vì bản thân tôi không hề tạo ra bất kỳ giá trị nào.
2018 đu đỉnh, 2019 thị trường đi ngang, 2020 cô vít, thị trường tiếp tục rơi. Tôi cũng không còn mặn mà gì với chứng khoán.
Cuối năm 2018, sau khi bị chia 3 tài khoản, tôi quyết định tìm một công việc gì đó vừa tạo ra giá trị vừa kiếm được tiền.
(Bây giờ tôi chỉ đầu tư vào một lĩnh vực, đó là bất động sản online, tôi sẽ chia sẻ trong một bài viết khác)
Tôi bắt đầu tìm hiểu, học và làm về tiếp thị liên kết (affiliate). Tôi viết những bài review về các khóa học online trên unica, kyna, edumall. Nếu có người đọc bài review của tôi và mua khoá học thì tôi sẽ nhận được tiền hoa hồng.
Có một bạn trên youtube hỏi tôi:
– Anh ơi, anh có thể liệt kê 50 cuốn sách hay nhất mà anh đọc được không?
– Không em ơi, anh ít đọc sách lắm, kiến thức anh có là nhờ làm review này nè.
Nhưng làm một thời gian thì tôi cảm thấy nản, vì…
Thứ nhất, review nhiều nhưng không kiếm được bao nhiêu. Sau 6 tháng viết review, số tiền tôi kiếm được là 548 nghìn vnđ. Cái này là lỗi tôi, vì tôi viết chưa nhiều, chưa biết làm marketing, chưa biết chạy quảng cáo.
Thứ 2 là tôi thấy những khoá học online nó cứ sáo sáo thế nào. Viết review cũng thấy mắc cỡ. Khen thì có lỗi với cái tâm, chê thì có lỗi với cái bụng. Vì chê thì không ai click vô mua, không ai mua thì đói. Nên thôi dẹp, làm cái khác.
Lại một lần nữa thất bại, thất bại vì tôi không kiên trì, chọn sai thị trường ngách.
(Tuy không còn viết review nữa nhưng bạn nào tính mua khóa học trên unica có thể nhập mã VANAHA để được giảm 40% cho tất cả khoá học ^^)
Chưa hết đâu, tôi còn thất bại nhiều lắm. Kinh doanh ốp lưng cũng thất bại, viết sách thuê cũng thất bại, làm app cũng thất bại.
Nhiều lúc tự nghi ngờ bản thân. Sao mình làm cái gì cũng dở dở ương ương vậy nè!
Bạn có thấy cái tôi đang thấy không?
Người ta nói “thất bại là mẹ thành công”.
Mà thành công đâu chưa thấy, chỉ toàn thấy m* thôi.
Sau này quay lại kinh doanh online tôi mới tìm được câu trả lời. Đó là vì tôi thất bại không có chiều sâu.
Thất bại đầu tiên là do tôi không làm chủ được đầu ra. Tôi bắt đầu học thêm cách chạy quảng cáo fb, tự làm marketing, tự bán, không còn phụ thuộc vào các trang thương mại điện tử.
Tôi lại tiếp tục gặp một thất bại khác. Tôi không biết chọn sản phẩm. Có những sản phẩm bán chạy ở nước ngoài nhưng lại ế ở VN. Tôi bắt đầu học cách test sản phẩm trước khi sản xuất.
Tôi lại tiếp tục gặp một thất bại khác. Chi phí sản xuất quá cao. Tôi bắt đầu tự tìm nguyên liệu sản xuất, tự tìm nơi gia công giá rẻ.
Tôi lại tiếp tục thất bại. Sau khi chạy quảng cáo một thời gian, tôi nhận ra vấn đề. Có chạy thì mới có ăn, không chạy mà đòi ăn thì ăn không khí. Vậy nên đây không phải là cách làm lâu dài. Tôi bắt đầu học cách làm seo, seo facebook, seo youtube, seo website.
Không những vậy, tôi còn thất bại trong việc tư vấn khách hàng. Phải nói sao cho người ta thích, người ta mua và người ta quay lại mua tiếp.
Vẫn tiếp tục là một chuỗi thất bại. Nhưng lần này không còn thấy m* nữa.
Trải qua những thất bại trước, mỗi lần thất bại, tôi thấy mình lỗ sạch, mất trắng, tự nghi ngờ bản thân.
Lần này, mỗi khi thất bại, thấy tôi thấy chi phí giảm xuống, lợi nhuận tăng lên, tự tin hơn.
Đây là lợi ích của việc thất bại có chiều sâu. Thất bại nhiều lần trong cùng một lĩnh vực.
Người ta nói “thất bại là mẹ thành công”.
Người ta cũng nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Nghĩa là “thất bại cho chín còn hơn chín cái thất bại”.
Mỗi lần thất bại, tôi thường tự nói với bản thân, “hãy thất bại cho tới khi không còn thất bại được nữa, tôi sẽ thấy thành công”.
P/s: Người phương Tây cũng có câu “Failure is stepping stone to success”. Success đâu chưa thấy mà toàn thấy stone.
Thông Điệp Của Ngày Hôm Nay:
Nói ít lại, làm nhiều hơn.
P/s: Mong bạn dành ra ít phút để lại comment “đã nhận thông điệp” nếu cảm thấy thông điệp này có ý nghĩa với bạn 👇👇