NGUYÊN LÝ TẤM GƯƠNG & KỸ THUẬT REFRAMING
Nếu các bạn đã từng xem qua chuỗi video về “Bước Nhảy Lượng Tử”, thì trong chuỗi video đó Văn đã có hướng dẫn về 2 cách giúp thay đổi thực tại. Cách thứ nhất là thực hành với nước, cách thứ 2 là thực hành với giấy.
Tiếp tục với chuỗi kiến thức này, trong bài viết ngày hôm nay Văn sẽ hướng dẫn các bạn cách thứ 3 giúp thay đổi thực tại, đó là thực hành với Gương.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về “Nguyên Lý Tấm Gương” và 5 bước vận dụng kỹ thuật “Reframing” để “dịch chuyển” sang thực tại mà bạn mong muốn.
Có lẽ các bạn đã từng nghe qua những câu như: “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, “Cảm nhận thế nào đời trao thế đó” của tác giả Andrew Matthews.
Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey cũng từng nói: “Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn phải thay đổi cách bạn suy nghĩ về nó”.
Hoặc tỷ phú người Mỹ Alan Cohen cũng cho rằng: “Cuộc sống trao cho bạn những gì bạn cảm nhận được, không phải những gì bạn muốn”.
Tổng thống Nelson Mandela cũng có câu: “Để thay đổi cuộc sống của bạn, bạn phải thay đổi chính mình”.
Tất cả những câu nói trên đều phản ánh chung về một nguyên lý gọi là “Nguyên Lý Tấm Gương”.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách làm thế nào mà suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến thế giới nội tâm bên trong mà còn phản chiếu trực tiếp ra thế giới bên ngoài. Làm thế nào mà bạn có thể sử dụng “Nguyên Lý Tấm Gương” để thay đổi thực tại của mình theo hướng tích cực hơn và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Dù bạn đang tìm kiếm sự thay đổi trong sự nghiệp, mối quan hệ, sức khỏe, hay chỉ là muốn phát triển bản thân mình, “Nguyên lý Tấm Gương” sẽ là chìa khóa mở ra rất nhiều cơ hội trong tương lai.
Và sau đây chúng ta hãy cùng nhau đến với nội dung chính của bài viết.
Mục Lục
1. Nguyên Lý Tấm Gương
Nguyên lý Gương khởi đầu từ ý tưởng rằng thế giới xung quanh chúng ta không gì khác ngoài sự phản ánh của thế giới nội tâm.
Nói cách khác, những gì chúng ta trải nghiệm, cảm nhận và thấy trong cuộc sống hàng ngày chính là kết quả của suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin ẩn sâu bên trong chính chúng ta.
Bạn hãy tưởng tượng cuộc sống như một tấm gương khổng lồ. Mọi nụ cười, nỗi buồn, thành công và thất bại đều không phải là sự kiện ngẫu nhiên mà là hình ảnh phản chiếu của tư duy và tình cảm của chúng ta.
Nguyên lý này khẳng định rằng thế giới bên ngoài liên kết trực tiếp với thế giới nội tâm. Khi bạn cảm thấy bên trong mình tràn đầy hạnh phúc và tự tin, thế giới xung quanh dường như cũng trở nên tươi đẹp và nhiều màu sắc hơn.
Ngược lại, những ngày mà bạn cảm thấy tiêu cực và khó khăn, bầu không khí bên ngoài cũng trở nên u ám và nặng nề hơn.
Những niềm tin sâu kín, thậm chí là vô thức, về bản thân và thế giới đều được “hiện hình” qua các sự kiện, mối quan hệ và tình huống mà chúng ta gặp phải.
Nếu bạn tin rằng mình không xứng đáng với hạnh phúc, bạn có thể sẽ liên tục gặp phải những tình huống để xác nhận niềm tin đó.
Hiểu và áp dụng “Nguyên Lý Tấm Gương” không chỉ giúp chúng ta nhận ra cách thế giới phản ánh nội tâm mình mà còn mở ra cánh cửa tự khám phá và phát triển bản thân.
Khi chúng ta bắt đầu nhận thức và thay đổi những suy nghĩ, niềm tin và tình cảm bên trong, chúng ta cũng bắt đầu thấy sự thay đổi trong thực tại xung quanh.
Điều này tạo cơ hội để chúng ta chủ động biến đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn.
2. Một Số Ví Dụ Thực Tế
Ví dụ về Giảm Cân và Nguyên Lý Tấm Gương.
Trong hành trình giảm cân, nhiều người thường gặp phải giai đoạn ban đầu mà tiến trình rất chậm chạp, dù họ đã áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt và tập luyện đều đặn.
Điều này phản ánh nội dung của Nguyên lý Tấm Gương, nơi niềm tin sâu kín bên trong họ là: “Tôi quá nặng, tôi không bao giờ có thể giảm cân một cách dễ dàng”, những niềm tin này được phản chiếu ra thực tại bên ngoài và gây cản trở cho công cuộc giảm cân của họ.
Ngược lại, khi người đó bắt đầu nhận thấy những thay đổi nhỏ, tâm trạng và niềm tin bắt đầu có những chuyển biến tích cực và họ bắt đầu suy nghĩ: “Tôi đang giảm cân, mọi thứ đang tiến triển tốt”, và điều này dẫn đến việc họ bắt đầu giảm cân nhanh chóng hơn trong thực tế.
Ví dụ về Mối Quan Hệ và Nguyên Lý Tấm Gương.
Mối quan hệ xã hội, từ bạn bè đến đồng nghiệp và người thân, thường thay đổi tùy theo suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta về họ. Khi chúng ta tập trung vào những điều tích cực về người khác, mối quan hệ trở nên gần gũi và hòa thuận hơn.
Ngược lại, nếu chúng ta tập trung vào điều tiêu cực, mối quan hệ có thể trở nên căng thẳng và xa cách. Bạn hãy thử thay đổi suy nghĩ về một mối quan hệ cụ thể (như nghĩ về những phẩm chất tốt của một người bạn) và bạn sẽ thấy sự chuyển đổi tích cực trong mối quan hệ đó.
Điều này chứng minh rằng những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận bên trong có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta tương tác và nhìn nhận người khác.
Những ví dụ trên cho thấy rằng tâm trạng và niềm tin của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc nội tâm mà còn có tác động mạnh mẽ đến thực tại bên ngoài. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc sống của mình bằng cách điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc.
Sau đây Văn sẽ hướng dẫn các bạn 5 bước để có thể ứng dụng “Nguyên Lý Tấm Gương” vào cuộc sống bằng cách sử dụng kỹ thuật Reframing (hay còn gọi là Tái Định Hình Nhận Thức).
3. Phần Mềm Tiềm Thức Lỗi Thời
Từ khi mới sinh ra, chúng ta đã bắt đầu học hỏi và tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh. Những thông tin này hình thành nên cơ sở lập trình của tiềm thức, ảnh hưởng đến hầu hết các hành động và quyết định của chúng ta.
Các niềm tin và hành vi mà chúng ta học hỏi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc đời, thường đến từ cha mẹ, bạn bè, giáo viên và truyền thông.
Những niềm tin này có thể không phản ánh đúng hoặc hữu ích, tương tự như phần mềm “lỗi thời” làm chậm máy tính.
Ví dụ, nếu bạn lớn lên trong một môi trường nơi mà tiền bạc được xem là khó kiếm, bạn có thể phát triển niềm tin tiềm thức rằng thành công tài chính là điều vô cùng khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cách kiếm tiền và làm hạn chế khả năng tài chính của bạn.
Điều này Văn cũng đã có đề cập trong video “6 cách giúp bạn không bao giờ bị nghèo”, bạn nào chưa xem có thể xem lại nhé.
Mặc dù việc thay đổi lập trình tiềm thức không dễ dàng do tiềm thức thích sự quen thuộc và kháng cự với sự thay đổi.
Nhưng thật may mắn, chúng ta vẫn có thể lập trình lại tiềm thức bằng một kỹ thuật tâm lý gọi là Reframing, hay còn gọi là kỹ thuật “Tái Định Hình Nhận Thức”.
Khi bạn hiểu và áp dụng được kỹ thuật Reframing vào cuộc sống thì mỗi thông tin bạn tiếp nhận, mỗi người bạn gặp và mỗi trải nghiệm mà bạn có đều là một cơ hội để bạn có thể lập trình lại tiềm thức của mình.
Chỉ khi những phần mềm lỗi thời được cập nhật thì máy tính của bạn mới có thể chạy một cách trơn tru và mượt mà hơn.
4. Kỹ Thuật Reframing
Kỹ thuật tâm lý Reframing là một phương pháp mà trong đó chúng ta thay đổi cách nhìn nhận và diễn giải một tình huống hoặc sự kiện nhất định để có cái nhìn tích cực hơn về nó.
Việc thực hành “tái định hình nhận thức” có tác dụng giúp giảm bớt căng thẳng và lo âu, khuyến khích tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, tạo ra sự thích nghi và linh hoạt trong cách tiếp cận các tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống.
Ví dụ, nếu bạn đang cảm thấy khó khăn trong công việc, thay vì nghĩ “Tôi thất bại trong dự án này, tôi không giỏi”. Hãy thử nhìn nhận nó như một cơ hội để học hỏi và phát triển. Và thay thế bằng suy nghĩ: “Dự án này không diễn ra như mong đợi, nhưng đây là cơ hội tốt để tôi học hỏi từ những sai lầm và cải thiện trong tương lai”.
Bạn hãy lưu ý rằng Reframing không phải là việc phủ nhận sự thật hay trốn tránh vấn đề, mà là một cách tiếp cận lạc quan và chủ động hơn đối với cuộc sống và các thách thức mà chúng ta gặp phải.
Sau đây là 5 bước giúp bạn thay đổi thực tại bằng cách sử dụng kỹ thuật Reframing.
5. 5 Bước Thực Hành Reframing
5.1. Bước 1 – Nhận diện niềm tin lỗi thời
Hãy bắt đầu bằng việc nhận diện những niềm tin tiêu cực hoặc lỗi thời mà bạn có. Hãy tự hỏi bản thân liệu những niềm tin này có còn phản ánh đúng với mục tiêu mà bạn muốn đạt được hay không?
Ví dụ, bạn muốn giỏi tiếng anh, nhưng niềm tin của bạn là: “Tôi luôn gặp khó khăn trong việc học tiếng Anh”.
Bạn muốn có một tình yêu đẹp, nhưng niềm tin của bạn là: “Mối quan hệ này không bao giờ sẽ làm tôi hạnh phúc”.
Bạn muốn có một sức khỏe tốt, nhưng niềm tin của bạn là: “Tôi không bao giờ có thể duy trì một lối sống lành mạnh”.
Bạn muốn cải thiện tình hình tài chính của mình, nhưng niềm tin của bạn lại là: “Tôi luôn luôn thiếu tiền”.
Trong bước 1 này chúng ta cần phải nhận diện được hoặc tốt nhất là viết ra được một cách rõ ràng về những niềm tin đang đi ngược lại với mục tiêu mà chúng ta đang muốn hướng tới.
5.2. Bước 2 – Thực hiện Reframing
Sử dụng phương pháp Reframing để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và diễn giải vấn đề. Các bạn hãy chuyển từ niềm tin “tôi không thể” sang niềm tin “tôi có thể học hỏi và phát triển từ điều này”.
Ví dụ, trước khi Reframing niềm tin của bạn là: “Tôi luôn gặp khó khăn khi học tiếng Anh”. Thực hiện Reframing bằng cách thay vì nhìn nhận mình không giỏi học tiếng Anh, hãy coi mỗi bài học, mỗi sai lầm trong quá trình học là một cơ hội để phát triển. Bạn hãy tự nói với bản thân mình rằng: “Mỗi lần tôi mắc lỗi khi nói hoặc viết tiếng Anh là một cơ hội để tôi học hỏi và cải thiện”.
Ví dụ về khía cạnh tình yêu.
Trước khi Reframing niềm tin của bạn là: “Mối quan hệ này không bao giờ sẽ làm tôi hạnh phúc”. Thực hiện Reframing bằng cách thay vì coi mối quan hệ như nguồn gốc của mọi sự bất như ý, hãy nhìn nhận nó như một cơ hội để hiểu rõ hơn về bản thân và những gì bạn thực sự cần trong một mối quan hệ. Bạn hãy tự nói với bản thân mình rằng: “Mối quan hệ này dạy tôi rất nhiều về giá trị và nhu cầu cá nhân của mình”.
Ví dụ về khía cạnh tiền bạc.
Trước khi Reframing niềm tin của bạn là: “Tôi luôn luôn thiếu tiền”. Thực hiện Reframing bằng cách thay vì nhìn vào tình trạng tài chính hiện tại với tâm trạng bi quan, hãy nhìn nhận nó như một cơ hội để học hỏi về quản lý tài chính và cải thiện kỹ năng. Bạn hãy tự nói với mình rằng: “Tình trạng tài chính hiện tại là cơ hội để tôi trở nên thông minh hơn trong việc quản lý tiền bạc và tìm kiếm các nguồn thu nhập mới”.
Ví dụ về khía cạnh sức khỏe.
Trước khi Reframing niềm tin của bạn là: “Tôi không bao giờ có thể duy trì một lối sống lành mạnh”. Thực hiện Reframing bằng cách thay vì xem việc duy trì lối sống lành mạnh là một gánh nặng, hãy coi đó là một hành trình khám phá và chăm sóc bản thân. Bạn hãy tự nhủ với chính mình rằng: “Mỗi bước đi trong việc duy trì sức khỏe là một cơ hội để tôi trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn về bản thân.”
Bằng việc thực hiện kỹ thuật Reframing một cách thường xuyên, sau khoảng thời gian từ 21 cho tới 30 ngày, bạn sẽ nhận thấy niềm tin cũ đã được loại bỏ và thay thế bằng niềm tin mới.
Các bạn lưu ý khi thực hiện kỹ thuật Reframing thì mỗi lần chỉ nên thực hiện cho 1 vấn đề nhất định.
Kỹ thuật Reframing sẽ không có hiệu quả nếu như các bạn tổng hợp nhiều vấn đề lại để thực hiện cùng một lúc.
5.3. Bước 3 – Tạo ra niềm tin mới
Tạo ra niềm tin mới bằng cách thực hành tự kỷ ám thị. Sau khi thực hiện Reframing trong bước 2, các bạn hãy tạo ra một câu ám thị thể hiện cho niềm tin mới mà các bạn muốn cài đặt vào tiềm thức của mình.
Các bạn lưu ý là câu ám thị sử dụng khi thực hành Reframing sẽ có một chút khác biệt so với khi thực hành ám thị bình thường.
Bởi vì mục tiêu của Reframing là thay đổi thực tại, nghĩa là chuyển từ thực tại không mong muốn sang thực tại mà bạn mong muốn.
Phương pháp này tập trung chủ yếu vào sự chuyển đổi, vì vậy câu ám thị của chúng ta cũng phải mang tính chất của sự chuyển đổi.
Để câu ám thị có thêm tính chất “chuyển đổi”, các bạn có thể vào câu ám thị những từ thể hiện sự chuyển đổi như: “dần dần”, “từng ngày”, “mỗi ngày”, “ngày càng”, “đang”, “đang trở nên”, “hơn”, “tốt hơn”, “tích cực hơn”, “giỏi hơn”, …
Ví dụ như: “Tiếng Anh của tôi đang giỏi hơn từng ngày”; “Tôi đang kiếm được 30 triệu một tháng và tháng sau cao hơn tháng trước”; “Chồng của tôi ngày càng yêu thương tôi nhiều hơn”; “Công việc của tôi đang tốt hơn từng ngày”; …
Thì trên đây là một số câu ám thị mang tính chất chuyển đổi mà các bạn có thể sử trong bước 3 này.
5.4. Bước 4 – Thực hành khẳng định trước gương
Thực hành khẳng định trước gương vào mỗi sáng. Mỗi buổi sáng, sau khi các bạn đã hoàn thành xong những công tác vệ sinh cá nhân, sau khi đã diện quần áo tươm tất, tóc tai gọn gàng.
Bạn hãy nhìn vào gương và tự khẳng định với chính mình 3 lần câu khẳng định mà các bạn đã chọn ở bước 3.
Thực hiện lại bước 4 này mỗi ngày cho đến khi các bạn thấy được sự thay đổi tích cực mà bạn mong muốn.
5.5. Bước 5 – Thực hành ghi chép
Để hỗ trợ cho kỹ thuật Reframing trong bước 5 này chúng ta sẽ thực hành ghi chép, quan sát, đánh giá và thay đổi.
Mỗi ngày, dành vài phút trước khi ngủ để suy ngẫm và ghi chép lại những điều bạn cảm thấy biết ơn, dù đó là những điều nhỏ nhặt nhất.
Ví dụ: “Tôi biết ơn vì thầy Tiến đã giúp tôi sửa lỗi phát âm trong từ Quen Nét Đây thành Wednesday”. Hoặc: “Tôi biết ơn vì bạn An đã giúp tôi hiểu cách dùng của thì hiện tại hoàn thành”, …
Ngoài việc viết nhật ký biết ơn bạn cũng nên ghi lại những sự tiến bộ, khó khăn và cách bạn giải quyết và vượt qua khó khăn đó như thế nào.
Việc thực hành ghi chép như thế này sẽ giúp cho việc thực hành kỹ thuật Reframing trở nên hiệu quả hơn.
Vì hành động này giống như một bằng chứng để thuyết phục ý thức của bạn tin rằng kỹ thuật Reframing là có hiệu quả chứ không chỉ là một cách tự khích lệ bản thân mà thôi.
Khi phần ý thức của bạn đã tin vào kỹ thuật Reframing thì khi đó nó sẽ mở cửa tâm trí và cho phép những niềm tin mới được đi vào và tiếp cận với tiềm thức của bạn, và từ đó, bên trong tiềm thức của bạn, những niềm tin cũ “lỗi thời” sẽ được thay thế bằng những niềm tin mới.
Và theo nguyên lý tấm gương, khi niềm tin mới thay thế cho niềm tin cũ thì thực tại mới sẽ thay thế cho thực tại cũ.
Bởi vì: “Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản ánh nội tâm của mỗi chúng ta”.